Khi người sống hưởng thụ yêu người theo chủ nghĩa tiết kiệm, bất đồng là điều hiển nhiên.
Bất đồng quan điểm về việc chi tiêu, tiết kiệm tưởng chừng chỉ là câu chuyện của những cặp đôi đã về chung một nhà, chứ lúc yêu đương hẹn hò, hiếm ai lại tranh cãi vì lý do này. Rõ ràng, chưa có hôn thú, chưa sống chung và chưa có con, tiền ai người ấy tiêu, chứ người yêu có quyền gì đâu mà can thiệp?
Về lý thuyết thì đúng là như vậy, nhưng thực tế lúc nào chẳng có ngoại lệ.
Cô gái bị bạn trai phàn nàn vì quá tiết kiệm, tháng kiếm 20 triệu mà chỉ tiêu 4 triệu là không biết hưởng thụ cuộc sống
Mới đây, trên nền tảng MXH Threads, một cô gái đã chia sẻ câu chuyện có phần dở khóc dở cười của mình. Chuyện là cô bạn kiếm được 20 triệu/tháng, vì đang ở chung với gia đình, không mất tiền thuê trọ nên hàng tháng, cô chỉ tiêu 4 triệu và tiết kiệm được 16 triệu. Trong khi đó, bạn trai cô lương 30 triệu nhưng chỉ tiết kiệm được 6 triệu/tháng.
Bất đồng nảy sinh sau khi người bạn trai góp ý, cho rằng cô sống như vậy là không biết hưởng thụ.
Trong phần bình luận của bài đăng, mọi người đều khẳng định việc cô gái này biết tiết kiệm là rất tốt, không có gì sai hay cần phải nghi ngờ bản thân chỉ vì một lời “chê bai” của người yêu. Đồng thời, quan điểm của người bạn trai cũng không sai. Vấn đề chỉ là hai người không có tiếng nói chung trong việc chi tiêu, tiết kiệm mà thôi.
Người kiếm 20 triệu nhưng một tháng tiết kiệm được 16 triệu, người kiếm 30 triệu nhưng một tháng chỉ tiết kiệm được 6 triệu, suy cho cùng, đúng là chẳng có ai sai trong câu chuyện này.
Làm sao để tối ưu hóa dòng tiền tiết kiệm?
Có tư duy tiết kiệm và duy trì được thói quen tiết kiệm luôn là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, không khó để nhận ra cô gái trong câu chuyện phía trên chưa tối ưu được dòng tiền tiết kiệm của mình.
Tiết kiệm 16 triệu/tháng với mức lương 20 triệu là tỷ lệ quá lý tưởng, nhưng dồn cả 16 triệu để gửi tiết kiệm thì lại chưa được tối ưu cho lắm.
Dù bạn đang tiết kiệm được bao nhiêu tiền mỗi tháng, bạn vẫn nên phân bổ dòng tiền tiết kiệm của mình vào những “giỏ” khác nhau, để tối ưu hóa tiền lãi, theo gợi ý dưới đây.
1 – Chia số tiền tiết kiệm thành nhiều sổ với các kỳ hạn khác nhau
Giả sử bạn đang có một “cục tiền” 200 triệu, thay vì gửi tiết kiệm vào 1 sổ, bạn nên chia nhỏ số tiền này thành nhiều sổ với các kỳ hạn khác nhau, rải đều từ 12 tháng, 9 tháng, 6 tháng, 3 tháng và 1 tháng.
Việc này có 1 lợi ích rất dễ thấy: Khi có việc khẩn cấp cần tiền, bạn có thể đáo hạn khoản tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng và chịu mất lãi suất ở mức thấp nhất.
2 – Mua vàng
Giá vàng có thể biến động trong ngắn hạn nhưng nếu bạn mua vàng đều đặn và giữ vàng đủ lâu, khoảng 3-5-10 năm, chắc chắn số vàng của bạn sẽ sinh lời.
Đã tiết kiệm được tới 16 triệu/tháng, chẳng tội gì không trích 4-5 triệu ra mua lấy 1 chỉ.
3 – Đầu tư chứng khoán, chứng chỉ quỹ
Cũng giống như việc mua vàng, nếu mua và “hold” một mã cổ phiếu/chứng chỉ quỹ đủ lâu, khoản đầu tư của bạn vẫn có khả năng sinh lời bất chấp biến động của thị trường trong ngắn hạn.
Trong trường hợp bạn chưa có kiến thức đầu tư, việc trích một phần tiền tiết kiệm để đi học cũng là một hình thức đầu tư không bao giờ sợ lỗ.
Trên đây là 3 gợi ý mà bạn có thể tham khảo để tối ưu dòng tiền tiết kiệm của mình. Cũng giống như việc đầu tư, muốn tiền sinh lời ở mức tốt nhất, đừng bao giờ “bỏ hết trứng vào một giỏ”, nhớ nhé!