Còn trẻ thì nên chọn công việc lương cao nhưng áp lực, hay nên chọn công việc lương thấp nhưng thoải mái tinh thần?
Đi làm rồi mới thấy, đúng là trên đời này chẳng tồn tại công việc nhẹ nhàng nào mà lương lại cao. Nỗi sợ lớn nhất của những người đi làm có lẽ chính là đồng lương nhận được không tương xứng với công sức bỏ ra. Làm chầy chật tối ngày mà lương bèo bọt, tệ hơn nữa là bị quỵt lương,… nghĩ thôi đã thấy cám cảnh!
Thế nên vất vả mà lương cao cũng là một cái may. Cuối tháng có mấy chục triệu “ting ting” nhảy vào tài khoản là cảm giác an ủi duy nhất, rằng những gì mình cống hiến không bị xem thường.
Nhưng phàm là con người, làm nhiều sẽ thấy kiệt sức. Lúc ấy, người ta lại cảm thấy bao nhiêu tiền cũng là không đủ, không xứng đáng để đánh đổi thời gian của tuổi trẻ. Kết cục, họ quyết định nghỉ việc, từ bỏ công việc lương cao nhưng quá áp lực.
28 tuổi thấy mông lung hối hận vì bỏ việc lương 60 triệu để làm công việc lương 12 triệu
Đây là chia sẻ của một cô gái 28 tuổi, về quyết định bỏ công việc mang lại mức thu nhập cao vào 2 năm trước. Ở độ tuổi 26, có tháng, cô từng kiếm được 60 triệu, nhưng vì công việc quá áp lực, bận rộn đến mức không có thời gian dành cho bản thân, nên cô đã quyết định nghỉ. Bây giờ, khi làm công việc nhàn hơn, với mức thu nhập chỉ 12 triệu/tháng, cô lại bắt đầu cảm thấy mông lung, có phần hối hận vì… không đủ tiền làm đám cưới.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người đồng cảm với sự hoang mang, mông lung của cô bạn và cho biết bản thân cũng trong tình cảnh tương tự. Có thể thấy không ít người đang ngấp nghé ngưỡng 30 mà thu nhập chưa cao, tiền tiết kiệm không nhiều và chưa có tài sản gì trong tay.
Thấy được gì từ chia sẻ của cô bạn này?
28 tuổi, thấy mông lung về tương lai phía trước, thấy hoài nghi năng lực của bản thân là tình trạng chung của không ít người. Việc này thực ra cũng không có gì khó hiểu, vì 28 tuổi chưa thể gọi là già, nhưng cũng không còn đủ trẻ để ngụy biện “mình còn non nớt” nên mới chưa ổn định.
Tựu trung lại, cảm giác mông lung, hoang mang này, có lẽ ai cũng từng trải qua một hoặc nhiều lần, ở những độ tuổi khác nhau.
Đương nhiên, không có một công thức chung nào để chúng ta loại bỏ được cảm giác không mấy dễ chịu này. Nhưng nhìn lại chia sẻ của cô bạn trong câu chuyện phía trên, có một vài bài học mà bạn có thể suy ngẫm, để phần nào hạn chế cơn khủng hoảng ở độ tuổi sắp 30.
1 – Hưởng thụ không sai, cái sai là tiêu hết tiền kiếm được để hưởng thụ
Trong chia sẻ của mình, cô bạn có viết: “Khi làm ra tiền, mình làm tới đâu, tiêu hết đến đó. Mua quần áo mỹ phẩm, mua cái này cái kia về cho bố mẹ. Hồi đó mua không thấy tiếc vì làm được kiếm được” .
Mục đích của những khoản chi ấy đều khá chính đáng, mua đồ cho bản thân, cho bố mẹ thì cũng chẳng gọi là phung phí. Nhưng làm bao nhiêu, tiêu hết bấy nhiêu lại là chuyện khác.
Còn trẻ, còn có khả năng kiếm tiền, việc cấp thiết nhất chính là tiết kiệm. Tiết kiệm không đồng nghĩa với việc bạn hoàn toàn không được phép chi tiêu cho bản thân, hay không báo hiếu bố mẹ; mà chỉ đơn giản là chừa ra một khoản từ đồng lương mình kiếm được.
5 năm đi làm, cô bạn này tiết kiệm được 75 triệu, tính ra mỗi năm tiết kiệm được 15 triệu. Vậy là trung bình 1 tháng, cô tiết kiệm được 1,25 triệu đồng. So với mức thu nhập 12 triệu, hoặc 15-20-60 triệu/tháng, tỷ lệ tiết kiệm như vậy chẳng phải là có phần “khiêm tốn quá” hay sao?
2 – Mọi quyết định đều có cái giá của nó
Còn trẻ thì nên chấp nhận công việc lương cao nhưng áp lực, hay nên chọn công việc lương thấp nhưng thoải mái tinh thần?
Thực ra, rất khó để đưa ra một đáp án chung, đúng với tất cả cho câu hỏi này. Mỗi người một mục tiêu, một kỳ vọng khác nhau cho cuộc sống. Thế nên chọn an nhàn hay chọn làm việc hết công suất để kiếm tiền đều là những lựa chọn đúng, nếu bản thân cảm thấy ổn.
Vấn đề chỉ là cảm giác “ổn” ấy không kéo dài mãi, giống như cô gái trong câu chuyện phía trên. Sau khi bỏ công việc thu nhập cao, cô thấy ổn trong vòng 2-3 năm. Nhưng tới giờ, khi chuẩn bị lập gia đình, mọi chuyện lại bỗng dưng… không còn ổn nữa.
Để hạn chế tối đa tình trạng này, có lẽ việc duy nhất mà chúng ta có thể làm chỉ là nghĩ thật kỹ về mục tiêu của bản thân trong tương lai, trước khi đưa ra quyết định.
Muốn mua được nhà được xe, muốn có nhiều tiền tiết kiệm để chuẩn bị cho hành trình làm cha làm mẹ, đương nhiên, khi còn trẻ và còn độc thân, bạn phải chấp nhận kiếm tiền ở mức tối đa và chi tiêu ở mức tối thiểu.
Ngược lại, khi còn trẻ, còn độc thân mà muốn an nhàn, muốn có thời gian tận hưởng cuộc sống, rong chơi trải nghiệm, phải chấp nhận tương lai mình sẽ có ít của cải trong tay hơn. Đó chính là chi phí cơ hội.
Xác định rõ chi phí cơ hội trong mỗi quyết định của bản thân, có thể không giúp bạn chóng giàu hơn, nhưng chí ít, nó cũng khiến cảm giác mông lung, hoang mang nhẹ nhàng đi phần nào.