Người mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách, lối sống của con.
Cách một bà mẹ nuôi dạy con, phần nào ảnh hưởng đến tính cách, thái độ và hành động của một đứa trẻ. Theo QQ, nếu người mẹ có 4 đặc điểm này, khi nuôi dạy con sẽ rất tốt, giúp đứa trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần.
Người mẹ biết kiềm chế, ổn định cảm xúc
QQ lấy ví dụ, một người mẹ đang chơi đùa với cô con gái nhỏ trên bãi cát. Vô tình, con gái bốc một nắm cát lớn và ném vào không trung. Kết quả là toàn bộ tóc, mặt của người mẹ lẫn đứa con đều dính đầy cát.
Tuy nhiên, thay vì hét lên hay quát mắng con nên dừng lại, bà mẹ lại tỏ ra vô cùng bình tĩnh, nhẹ nhàng phủi cát trên người mình lẫn cô con gái nhỏ và nói: “Con có thấy khi cát tung lên trời, nó sẽ rơi trúng người. Nhìn xem, bây giờ chúng ta đều bị nó bao phủ rồi, phải không? Điều này sẽ khiến chúng ta rất khó chịu”.
Chưa dứt lời, bà mẹ tiếp tục nắm lấy tay cô con gái nhỏ và hướng dẫn: “Nếu con thực sự muốn ném nó, con hãy lấy một ít và thả thật nhẹ nhàng khi không có người xung quanh. Con không được ném ra ngoài bãi cát này cũng như không được ném nó vào chính mình và người khác nhé. Con đã hiểu chưa”.
Cô bé liền vui vẻ và gật đầu đồng ý.
Một ví dụ nhỏ cho thấy việc kiềm chế cảm xúc trong lúc dạy con có hiệu quả như thế nào. Trong trường hợp nêu trên, nếu người mẹ la mắng, chỉ trích hay đánh đập, chỉ làm cho đứa trẻ trở nên sợ hãi, lo âu hoặc không lặp lại hành động tương tự nhưng theo một cách miễn cưỡng và có điều kiện. Người mẹ đã biết kiềm chế cơn nóng giận đúng lúc, có cách cư xử đúng mực với con, từ đó sẽ giáo dục nên những những đứa trẻ ưu tú.
Cuốn “Tâm lý học phát triển” chỉ ra rằng sự ổn định về mặt cảm xúc của cha mẹ, ông bà và những người thân khi giáo dục con cái là nền tảng cho sự phát triển về mặt xã hội và tình cảm của trẻ. Thông qua lời nói, hành vi của cha mẹ, trẻ con cũng sẽ học được cách quản lý cảm xúc, phép tắc ứng xử,…
Người mẹ thường xuyên động viên con cái
Sự khích lệ giúp con tự tin hơn. Có một thuật ngữ trong tâm lý học gọi là Vùng phát triển gần nhất (ZPD) – là vùng được giới hạn giữa trình độ phát triển thực sự của người học được xác định bởi khả năng giải quyết vấn đề một cách độc lập và trình độ phát triển tiềm năng được xác định bởi khả năng giải quyết vấn đề với sự hướng dẫn, trợ giúp hay hợp tác của người khác. Đây là một khái niệm quan trọng nói về sự khác biệt giữa điều mà đứa trẻ có thể đạt được một cách độc lập và điều trẻ có thể đạt được với sự hướng dẫn và khuyến khích của một người khác, đặc biệt là mẹ.
Một người mẹ nếu biết sử dụng phương pháp này để làm động lực cho con, sẽ giúp con tự tin, tiến bộ hơn. Đừng nói với con “Điều này rất khó” hay “Để mẹ làm cho nhanh”. Thay vào đó, một người mẹ nên khích lệ, động viên để con thấy mục tiêu trước mắt và chỉ cần nỗ lực một chút là có thể đạt được nó.
Ví dụ, một người mẹ đưa con đi tham gia trò chơi leo núi. Khi chỉ mới leo được một đoạn đường ngắn, đứa trẻ cảm thấy mệt, nó khóc và đòi mẹ cho xuống. Thay vì quát mắng, tạo áp lực hay đưa đứa trẻ xuống như yêu cầu, người mẹ nói: “Con trai, hãy cố gắng tiến thêm một bước nữa. Mẹ tin rằng con có thể kiên trì tiến thêm một bước nữa”.
Người mẹ liên tục lặp lại những lời động viên con “tiến thêm một bước nữa”, cứ như thế, cậu bé đã về đích. Cậu bé cũng là người duy nhất trong số trẻ em tham gia sự kiện hôm đó kiên trì đến cuối cùng.
Trên thực tế, mẹ của cậu bé không động viên cậu bằng một món quà hay phần thưởng thật lớn, khích lệ những câu xa vời như “Mẹ tin con có thể làm được”. Thay vào đó, người mẹ đã động viên, khích lệ và nhắc đến những mục tiêu nhỏ, để trẻ tự tin tiến lên từng bước một.
Bạn cũng có thể áp dụng phương pháp tương tự khi dạy con học hoặc theo đuổi bất kỳ một đam mê nào trong cuộc sống, bằng cách nói với con “Hãy đọc nhiều hơn hôm qua 5 trang sách” hay “Lần sau hãy cố gắng hơn hôm nay 1 điểm nhé”,… Từ đó, trẻ sẽ tiến bộ từng bước một, mỗi ngày mà không hề thấy quá tải hay lo sợ không đạt được.
Một người mẹ biết lắng nghe
Các bà mẹ thường nói với con rằng: “Con phải vâng lời”. Nhưng thực ra, đứa trẻ cũng muốn nói với mẹ rằng: “Xin hãy lắng nghe con nhiều hơn”. Sự lắng nghe giúp kéo gần khoảng cách giữa mẹ – con. Từ đó, đứa trẻ trở nên cởi mở, thoải mái chia sẻ vấn đề với phụ huynh. Người mẹ cũng hiểu được con muốn gì, cần gì và đang có gì để có phương hướng giáo dục phù hợp hơn.
Thuyết gắn bó (attachment theory) – thuyết tâm lý học giải thích sự gắn bó về mặt cảm xúc trong các mối quan hệ của con người, đặc biệt là những mối quan hệ lâu dài, chỉ ra rằng đứa trẻ sẽ cảm thấy an toàn, tin tưởng nếu ở cạnh một người mẹ biết lắng nghe những điều con muốn nói.
Từ đó, đứa trẻ sẽ dễ dàng thể hiện tình cảm, dám nói lên suy nghĩ của mình và có nhu cầu được giao tiếp với phụ huynh và những người xung quanh hơn. Khi gặp điều gì đó hay khó khăn trong cuộc sống, đứa trẻ cũng sẵn sàng tâm sự với chúng ta thay vì giữ kín trong lòng và không muốn nói ra điều gì.
Một người mẹ sẵn sàng lớn lên cùng con
Trẻ em rất giỏi bắt chước. Thế nên, cha mẹ là tấm gương của con cái. Là một người mẹ, chăm sóc con mỗi ngày, bạn không nên tỏ ra chán nản hay yêu cầu con “đừng làm”, “không được làm”. Từ đó, đứa trẻ sẽ sinh ra tâm lý lo sợ, ỷ lại và nản lòng. Ngược lại, nếu bạn luôn tỏ ra kiên trì, nỗ lực để hoàn thành bất kỳ một công việc nào đó, dù là nhỏ nhất, trẻ cũng sẽ từ đó mà học theo và dần hình thành thói quen.
Nguồn: QQ.