Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
Google search engine
HomeCông nghệBảo vệ 12 triệu “thú cưng” ở Việt Nam: Sắp triển khai...

Bảo vệ 12 triệu “thú cưng” ở Việt Nam: Sắp triển khai công cụ báo cáo buôn bán thịt và trộm cắp chó mèo trên toàn quốc, thúc đẩy xây dựng quy định chặt chẽ

Một trang công cụ báo cáo các hành vi liên quan đến hoạt động buôn bán thịt chó và mèo, trộm cắp thú cưng,..sẽ được Tổ chức phúc lợi động vật Toàn cầu – FOUR PAWS triển khai trên toàn quốc trong năm nay, nhằm đẩy mạnh việc đối xử nhân đạo (phúc lợi động vật) cũng như giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

TIN MỚI

Cảm xúc chạm đến trái tim

Nhiều người trong chúng ta có chung tình yêu và sự gắn kết với những người bạn động vật của mình. Đối với họ, thú cưng không chỉ là vật nuôi đơn thuần, mà là thành viên trong gia đình, mang lại tình yêu thương và niềm vui cho cuộc sống. Không có người yêu động vật nào muốn bị mất thú cưng vì trải nghiệm đó đau buồn như mất đi người thân.

Chị Nguyễn Thị Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) kể lại “hành trình” đi tìm Nô, chú chó đã gắn bó với gia đình chị 4 năm. Chỉ vì một chút bất cẩn mà gia đình chị bị xáo trộn, rơi vào “khủng hoảng”, 2 con chị thẫn thờ, khóc rất nhiều, vợ chồng chị phải xin nghỉ việc, cắt cử nhau đi tìm, cứ có điện thoại báo nhìn thấy Nô là chồng chị lại lao đi, bất kể giữa trưa nắng gắt hay nửa đêm.

Sau 15 ngày tìm kiếm tưởng như vô vọng, gia đình chị đã tìm và chuộc được Nô về trong tình trạng gầy yếu, bị đánh đập, chân đi tập tễnh, trên mình có những vết bết máu trông rất thương tâm. Nhưng chị Hoa vẫn cảm thấy Nô thật may mắn khi được trở về nhà vì ngoài kia rất nhiều các chú chó khác bị bắt trộm và trở thành mặt hàng của những kẻ buôn chó cho lò mổ.

Không được may mắn như gia đình chị Hoa, anh Mạc Hồng Hà (Tây Hồ, Hà Nội), trở về nhà sau 2 ngày đi công tác và không thấy mèo ở nhà. Anh vội vã đi tìm, được chỉ đến các lò mổ ở Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân), Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), Chợ chó, mèo đối diện nghĩa trang Mai Dịch (quận Cầu giấy); … nhưng mọi nỗ lực tìm kiếm của anh đều không mang lại kết quả.

Trong quá trình đi tìm mèo, anh được chủ một lò mổ cho hay, sau khi bị trộm, chó và mèo được tập kết về một số mối buôn rồi chở đến các lò mổ, được phân loại để bán hoặc chuộc với số tiền rất cao, còn lại sẽ bị lấy thịt ngay. Tại các lò mổ, anh thấy rất nhiều mèo được đeo vòng cổ, chứng tỏ là thú cưng của gia đình nào đó. Tất cả bị nhốt trong những chiếc lồng chật hẹp và bị bỏ đói khát. Anh Hà cho biết, con gái anh đã rất đau khổ vì vĩnh viễn mất “một người thân” trong gia đình.

Nhằm hỗ trợ việc thu thập thông tin về các hoạt động trái phép có liên quan đến buôn bán thịt chó và mèo như trộm cắp thú cưng, vận chuyển động vật số lượng lớn… cũng như giúp chính quyền hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, cuối năm 2022, FOUR PAWS đã ra mắt thí điểm trang công cụ cho phép người dân báo cáo bất kỳ hành vi nào liên quan đến hoạt động buôn bán thịt chó và mèo mà họ chứng kiến.

Đến nay, tuy mới chỉ tập trung thu thập thông tin tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng nhưng đã có 572 báo cáo được ghi nhận tại thời điểm tháng 6 năm 2024. FOUR PAWS cho biết, cuối năm nay trang công cụ này sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc, để người dân chủ động trong việc cứu sống cũng như giảm thiểu những đau khổ cho động vật đồng hành như chó, mèo.

Thực tế, có nhiều báo cáo về việc thú cưng bị bắt bởi trộm từ nơi khác hoặc từ chính địa phương đó. Cuối năm 2023, công an huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã triệt xóa một đường dây trộm chó liên huyện, bắt giữ 6 “cẩu tặc”, chưa đầy 10 ngày dùng kích điện, dây thòng lọng trộm gần 100 cá thể chó, mèo.

Mặc dù đã có khung hình phạt xử lý việc trộm và lấy thịt chó, mèo, nhưng dường như chưa đủ mạnh để răn đe những kẻ trộm khi thấy mối lợi nhuận từ việc làm vi phạm pháp luật này. Luật sư Phạm Ngọc Minh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest, cho biết: “Việc trộm và giết thịt chó, mèo có thể bị xử phạt hành chính đến 5 triệu đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 173 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)”

Cần những quy định chặt chẽ

Tại Việt Nam, theo Công ty nghiên cứu dịch vụ tài chính Kirin Capital tổng hợp và phân tích từ số liệu của Euromonitor International – tập đoàn nghiên cứu thị trường (Anh), kể từ 2017 số lượng thú cưng (chó và mèo) liên tục tăng đều đặn 5% mỗi năm. Số liệu thống kê 2023, có trên 12 triệu con, trong đó có khoảng 5,58 triệu con mèo và 6,48 triệu con chó. Dự kiến số lượng thú cưng sẽ tăng lên 16 triệu con vào năm 2027. Điều đó cho thấy, thú cưng có một vai trò rất lớn trong cuộc sống của mỗi gia đình hiện nay.

Bảo vệ 12 triệu “thú cưng” ở Việt Nam: Sắp triển khai công cụ báo cáo buôn bán thịt và trộm cắp chó mèo trên toàn quốc, thúc đẩy xây dựng quy định chặt chẽ- Ảnh 1.

Theo FOUR PAWS, mỗi năm có khoảng 6 triệu cá thể chó, mèo đã bị buôn bán để lấy thịt, nhưng con số thực tế có lẽ còn cao hơn rất nhiều. FOUR PAWS hoạt động tại Việt Nam từ năm 2019 để giải quyết rủi ro từ việc buôn bán thịt chó, mèo. Mới đây, tổ chức này đã công bố kết quả một cuộc điều tra kín về hoạt động buôn bán chó và mèo trái phép trên tuyến quốc lộ 1A.

Buôn bán và vận chuyển chó, mèo trên tuyến đường dài, không được tiêm chủng, không có giấy phép đang là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng nhưng dường như chưa được cơ quan chức năng quan tâm đúng mức. Luật giao thông đường bộ cũng chưa được thực thi một cách nghiêm túc.

Bà Ninh Thị Phương Thảo, Điều phối viên Chương trình phúc lợi cho chó và mèo, Tổ chức FOUR PAWS tại Việt Nam, cho biết: “Sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan thực hiện công tác kiểm dịch động vật và cảnh sát Giao thông kiểm tra phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi có dấu hiệu vi phạm là vô cùng cần thiết, như vậy mới kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép chó và mèo.”

“Đối với chó, mèo thì hiện nay Bộ không đưa vào danh mục đối tượng cấm giết mổ. Do đó, việc xử lý các đối tượng kinh doanh, giết mổ chó, mèo trái phép chưa thật sự triệt để. Nhưng chó, mèo là vật nuôi cảnh, vì vậy, cần được bảo vệ và có những quy định chặt chẽ hơn trong việc xử lý hoạt động kinh doanh, giết mổ trái phép cũng như thu gom, vận chuyển cần có giấy chứng nhận kiểm dịch và rõ nguồn gốc.” Đại diện Cục chăn nuôi, Bộ NN & PTNT cho hay.

Tháng 6 vừa qua, “Hành trình yêu thương” xuyên Việt của FOUR PAWS đã truyền tải những câu chuyện, hình ảnh về sự tàn ác của hoạt động buôn bán thịt chó và mèo thông qua màn hình LED của xe van chạy trên các tuyến đường trọng yếu tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Trong suốt hành trình, đông đảo người dân và nhiều người nước ngoài sinh sống tại 3 thành phố này đã nhiệt tình hưởng ứng và tham gia ký tên vào bức thư điện tử kêu gọi chấm dứt tình trạng buôn bán và ăn thịt chó, mèo tại Việt Nam.

Bảo vệ 12 triệu “thú cưng” ở Việt Nam: Sắp triển khai công cụ báo cáo buôn bán thịt và trộm cắp chó mèo trên toàn quốc, thúc đẩy xây dựng quy định chặt chẽ- Ảnh 2.

Anh Boris Lopatin – nhiếp ảnh gia và nhà sáng tạo nội dung người Nga sinh sống và làm việc ở Hà Nội hơn 10 năm, tham gia “Hành trình yêu thương” chia sẻ: “Tôi thấy thịt chó vẫn rất sẵn ở mọi nơi. Việt Nam cần có những quy định rõ ràng để xóa bỏ “văn hoá” này, nhưng trước tiên cần nâng cao nhận thức của người dân. Theo tôi điều đó không dễ vì đối với một số người đó chỉ là một món ăn mà thôi. Vì vậy, tôi tham gia chương trình này với mong muốn việc buôn bán thịt chó mèo ở Việt Nam cần được chấm dứt vĩnh viễn.”

Tham gia báo cáo trên trang công cụ báo cáo các hành vi liên quan đến hoạt động buôn bán thịt chó và mèo, trộm cắp thú cưng.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

ĐỌC NHIỀU