Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
Google search engine
HomeXã hộiNhiều ưu đãi nhưng vẫn thiếu giáo viên

Nhiều ưu đãi nhưng vẫn thiếu giáo viên

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp ưu đãi, hỗ trợ để tuyển dụng và giữ chân giáo viên nhưng tình trạng thiếu giáo viên và nhân viên học đường ở nhiều địa phương vẫn liên tục diễn ra từ nhiều năm qua và càng lúc càng trầm trọng.

Tuyển mãi không đủ

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, mỗi năm, trung bình thành phố cần tuyển thêm gần 5.000 giáo viên cho các bậc học từ mầm non đến THPT, nhưng số giáo viên trúng tuyển chỉ đạt khoảng 50% so với nhu cầu, thậm chí có môn học không có ứng viên. Năm vừa qua, tổng nhu cầu tuyển dụng của thành phố là 5.762 giáo viên nhưng số trúng tuyển là 2.556 người, thiếu 2.215 viên chức. Trong đó, thiếu nhiều nhất là bậc tiểu học với 1.229 giáo viên; mầm non thiếu 490 giáo viên, trung học cơ sở thiếu 423 giáo viên và giáo dục đặc biệt thiếu 73 giáo viên.

Bà Trương Hải Thanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, cho biết, những năm qua, có một số vị trí việc làm không có hồ sơ đăng ký hoặc có ít hồ sơ dự tuyển. Cùng với đó, khi có một số viên chức xin thôi việc, nghỉ hưu và số học sinh tăng hằng năm dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Ngành giáo dục Bình Dương đang thiếu khoảng 3.000 nhân sự mới có thể đáp ứng yêu cầu, thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Mặc dù Đồng Nai đã có nhiều giải pháp và nỗ lực trong tuyển dụng, nhưng tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên tại các trường học ở tỉnh này vẫn tiếp diễn. Theo Sở GD&ĐT Đồng Nai, năm học mới 2024-2025, tỉnh còn thiếu khoảng 2.100 giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non, giáo viên bộ môn Nhạc, Mỹ thuật, Tin học… Nhiều năm qua, huyện miền núi Tân Phú luôn rơi vào tình trạng thiếu giáo viên và hiện thiếu 180 giáo viên, nhân viên. Trong đó, bậc mầm non thiếu 36 người, bậc tiểu học và THCS cùng thiếu 72 người. Định Quán, một huyện miền núi khác, đang còn thiếu gần 200 nhân viên, giáo viên, trong đó thiếu nhiều giáo viên mầm non và giáo viên bậc tiểu học; riêng bậc THCS vừa dư lại vừa thiếu như thừa giáo viên Văn, Sử…, trong khi lại thiếu giáo viên Giáo dục công dân, Nhạc, Họa… Không riêng các huyện miền núi, Trảng Bom là địa phương gần với TP.Biên Hòa, công nghiệp phát triển và đô thị hóa nhanh, nhưng năm học 2024 -2025, huyện này vẫn thiếu đến 314 giáo viên.

Ông Ngô Đăng Thành, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Định Quán, cho biết, gần như không có người từ địa phương khác đến đăng ký tuyển dụng giáo viên , trong khi đó người tại địa phương học xong thì chọn môi trường thành phố lập nghiệp vì suốt thời gian dài, mức lương của giáo viên không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Những năm trước khi tình trạng sốt đất xảy ra, còn có tình trạng giáo viên ở địa phương bỏ nghề đi buôn đất, làm “cò đất”, khiến đội ngũ giáo viên vốn đã thiếu lại càng thiếu. Theo ông Thành, năm nay khi lương được điều chỉnh và tỉnh có chính sách hỗ trợ giáo viên thì có nhiều trường hợp nghỉ việc trước đây đăng ký tuyển dụng trở lại. Định Quán đã thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp như tiếp nhận thuyên chuyển viên chức, các trường tiếp tục tuyển dụng, hợp đồng, bố trí dạy tăng tiết hưởng thừa giờ… Trường hợp thiếu không thể bố trí được thì sẽ xem xét dồn lớp, tăng sĩ số học sinh trên lớp, giảm lớp 2 buổi/ngày đối với tiểu học.

Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, với các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tin học, không chỉ ở các huyện mà chính các trường ở thành phố Biên Hòa cũng khó tuyển, dù thành phố đã chủ động làm việc với các trường sư phạm, trường đại học có đào tạo những ngành học này.

Vướng cơ chế

Ông Thành cho rằng, quy định của ngành cũng khiến việc tuyển dụng giáo viên gặp khó khăn. Cụ thể, tại địa phương có nhiều người trước đây đã tốt nghiệp Trung cấp sư phạm (dạy tiểu học) hoặc cao đẳng sư phạm (dạy THCS), sau khi ra trường đã đi làm việc khác, nay muốn hợp đồng dạy học tại các trường, nhưng so với quy định thì những bằng cấp này không đủ chuẩn. Theo ông Thành, ngành giáo dục có thể cho hợp đồng những trường hợp này, trong quá trình công tác, họ sẽ học bổ sung để đạt chuẩn.

Ngoài việc khó tuyển dụng giáo viên bộ môn, việc tuyển dụng nhân viên cho trường cũng rất khó khăn do cơ chế. Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhơn Trạch) cho hay, nhà trường đang tuyển dụng 8 nhân sự, gồm 3 giáo và 5 nhân viên cho các vị trí kế toán, thư viện, quản trị công sở và giáo vụ. Tuy nhiên, thông báo đã nhiều lần, nhà trường vẫn chưa tuyển được nhân sự.

Nhiều ưu đãi nhưng vẫn thiếu giáo viên- Ảnh 1.

Mỗi năm TPHCM cần tuyển khoảng 5.000 giáo viên nhưng kết quả chỉ tuyển được 50%, nhiều lớp học sinh đông nên giáo viên rất vất vả để dạy học. Ảnh: Nguyễn Dũng

Các trường học được giao tự chủ trong việc tuyển dụng nhân sự đều gặp khó khăn khi chế độ lương bổng thấp. Với nhân viên kế toán có trình độ đại học, nếu làm ở doanh nghiệp lương có thể trên 10 triệu đồng/tháng, trong khi được tuyển dụng vào làm ở trường học lương chỉ 6-7 triệu đồng nên không mấy ai muốn vào. Một vị trí khác là nhân viên y tế học đường, hiện rất nhiều trường đang bị khuyết, phải đưa giáo viên hay nhân viên khác kiêm nhiệm. Theo đánh giá của hiệu trưởng các trường, nguyên nhân chính là giáo viên và nhân viên khác trong trường học được xếp vị trí là công chức, viên chức, nhưng nhân viên y tế lại chỉ được ký hợp đồng lao động ở vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ. Ngoài ra, chế độ, chính sách cho nhân viên y tế học đường cũng chưa đủ sức hấp dẫn với người làm công tác này.

Ưu đãi “hết cỡ”

Theo bà Trương Hải Thanh, trước đây, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, các trường học ở Bình Dương đã tiến hành hợp đồng thêm giáo viên, luân chuyển, điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; vận động giáo viên dạy tăng giờ, tăng tiết… Để thu hút nhân sự và giữ chân giáo viên, Sở GD&ĐT đang phối hợp Sở Nội vụ điều chỉnh, bổ sung một số chế độ, chính sách. Cụ thể, tỉnh Bình Dương dự kiến bổ sung đối tượng thu hút giáo viên cấp học mầm non, giáo viên bộ môn và viên chức phụ trách thư viện cấp học tiểu học, giáo viên môn giáo dục thể chất cấp học THCS, giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THCS và THPT, giáo viên môn tiếng Anh các cấp học, giáo viên làm tổng phụ trách Đội cấp học tiểu học và THCS.

195 tỷ đồng hỗ trợ giáo viên

Theo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, có 4 đối tượng giáo viên sẽ nhận được chính sách hỗ trợ. Tỉnh sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng đối với giáo viên mầm non ở các cơ sở giáo dục công lập; giáo viên công tác tại trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật công lập. Hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng giáo viên phổ thông công lập ở các bộ môn khó tuyển dụng (Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Giáo dục thể chất ở tiểu học; Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Giáo dục thể chất ở trung học cơ sở và Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng ở trung học phổ thông); giáo viên ở các cơ sở giáo dục công lập tại các địa bàn khó tuyển dụng. Thời gian hỗ trợ tối đa 9 tháng/năm học. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 195 tỷ đồng.Mạnh Thắng

Bình Dương dự kiến bổ sung chế độ thu hút lao động có trình độ đến làm việc tại địa phương. Chế độ thu hút với tiến sĩ ở mức 200 triệu đồng, thạc sĩ 150 triệu đồng, đại học 100 triệu đồng, trung cấp và cao đẳng cùng mức 50 triệu đồng. Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng đề nghị Sở Nội vụ xem xét, bổ sung chế độ hỗ trợ thuê nhà đối với giáo viên về công tác.

Ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng Tổ chức Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, năm học 2024 – 2025, TPHCM đặt ra 5 giải pháp để từng bước khắc phục khó khăn tồn tại trong quá trình tuyển giáo viên. Cụ thể, thành phố yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền việc tuyển giáo viên trên các phương tiện truyền thông nhằm thu hút nguồn nhân lực tại chỗ và nguồn lực ở các tỉnh, thành đến TPHCM công tác. Sớm hoàn thiện đề án chính sách thu hút đối với giáo viên tiểu học tại các trường tiểu học công lập ở các bộ môn khó tuyển dụng như Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học để tuyển dụng vào vị trí giáo viên các cấp học. Phối hợp triển khai, thực hiện tốt chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc. Theo đó, Sở GD&ĐT đã đề nghị ĐH Quốc gia TPHCM và các trường đại học trên địa bàn thành phố tăng cường, phổ biến tuyên truyền chủ trương này trong sinh viên. Đến nay đã nhận được danh sách 356 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Công Thương TPHCM…

Những sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nếu tuyển dụng sẽ được thụ hưởng chính sách như: hưởng 100% mức lương trong thời gian tập sự, phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương theo hệ số lương, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, quản lý nhà nước và kiến thức chuyên ngành giáo dục. Đồng thời, còn được ưu tiên giao thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, chương trình, đề án, dự án từ cấp trường trở lên.

Ông Lộc cho hay, Sở tiếp tục rà soát, thí điểm phân cấp tuyển dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc diện nhiều năm liền khó có người trúng tuyển viên chức đồng ý đến nhận việc và ký kết hợp đồng làm việc.

Ngoài ra, để chủ động, Sở GD&ĐT cũng đã thí điểm phân cấp thực hiện việc tuyển dụng viên chức cho 29 đơn vị, giao cho hiệu trưởng quyền tuyển dụng giáo viên, sử dụng có hiệu quả và chịu trách nhiệm về công tác tuyển dụng.

Rất khó đảm bảo tiêu chuẩn 35 học sinh/lớp

Không chỉ thiếu giáo viên, Bình Dương đang gặp khó về trường lớp do số lượng học sinh hàng năm tăng. Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, cho biết, năm học 2024-2025, việc bảo đảm 35 học sinh mỗi lớp ở cấp tiểu học rất khó thực hiện. Hiện nay nhiều trường phải liên kết với các trung tâm bán trú bên ngoài để dạy buổi 2 nhằm bảo đảm thực hiện chương trình 2 buổi/ngày, mặc dù chưa có cơ chế chính thức. Hương Chi

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

ĐỌC NHIỀU